F0 tự điều trị tại nhà không thể thiếu nước cam nhưng cần tránh 8 sai lầm này khi uống
Nước cam được rất nhiều F0 tin tưởng có thể giúp tăng sức đề kháng, giảm các triệu chứng khó chịu nhưng khi uống cần có một số điều lưu ý.
1. Đừng để trái cây đã cắt ngoài không khí quá lâu
Cam nói riêng và trái cây nói chung sau khi cắt thường nhanh chuyển sang màu nâu. Điều này là do quá trình oxy hóa, khiến chất tự nhiên bị phá vỡ khi chúng tiếp xúc với oxy.
Nước trái cây càng tươi thì giá trị dinh dưỡng càng cao. Sau khi ép cam, bạn nên uống ngay hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh tối đa 1 ngày.
2. Đừng cho quá nhiều đường
Mặc dù việc thêm đường vào nước cam ép sẽ khiến mùi vị ngon hơn, nhưng bạn không nên lạm dụng nhiều đường. Bản thân trong cam đã chứa đường fructose, việc thêm nhiều đường sẽ khiến cho lượng đường trong máu tăng cao. Điều này có thể dẫn tới một số biến chứng không mong muốn.
3. Không uống khi ăn quá no
Bạn không nên đổi một bữa ăn lấy một ly nước cam ép và cần tránh ăn quá nhiều cùng lúc. Trong trường hợp ăn quá no, các chất trong dạ dày có thể làm loãng sự hấp thụ chất dinh dưỡng đáng nhẽ cơ thể nhận được khi bụng đói. Bạn nên uống một ly nước cam sau bữa ăn khoảng nửa tiếng đến 1 tiếng.
4. Đừng lạm dụng uống quá nhiều
Mặc dù cam rất tốt cho sức khỏe, chúng chứa nhiều vitamin cần thiết với cơ thể. Tuy nhiên, cũng như nhiều thứ khác, việc tiêu thụ một loại thực phẩm quá mức sẽ gây ra những tiềm ẩn rủi ro sức khỏe.
Vì thế, bạn có thể thay các loại nước ép khác nhau mỗi ngày, không nên lạm dụng uống quá thường xuyên và quá nhiều nước cam.
5. Hạn chế nước cam đóng hộp
Nước cam ép chắc chắc rất giàu vitamin và khoáng chất, tốt cho cơ thể, còn mang lại cảm giác sảng khoái sau khi uống. Thế nhưng, nước cam ép đóng hộp chứa ít chất dinh dưỡng hơn. Điều này là do trong quá trình xử lý và chế biến, để bảo quản lâu hơn, các nhà sản xuất buộc phải tiệt trùng ở nhiệt độ cao, vitamin và enzym sẽ bị mất đi. Hơn nữa, trong nước cam đóng hộp còn chứa quá nhiều đường.
6. Người có bệnh đường tiêu hóa cần chú ý
Nước cam thích hợp cho mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ cho tới người già đều uống được. Tuy nhiên, cũng có những người không thích hợp với việc uống nước trái cây, chẳng hạn như những người bị loét, viêm dạ dày ruột cấp và mãn tính hoặc người khỏe mạnh bị đầy hơi, tiêu chảy sau khi uống.
Ngoài ra, những người có chức năng thận kém nên tránh uống vào buổi tối, nếu không khi thức dậy vào buổi sáng sẽ phải đối diện với tình trạng bàn tay và bàn chân sưng phù.
7. Không uống chung nước cam với thuốc
Khi trẻ bị ốm, một số cha mẹ dùng nước trái cây thay nước lọc để cho con uống là điều phản khoa học. Trong các loại nước hoa quả, hầu hết đều chứa vitamin C và axit. Nó có thể khiến các loại thuốc bị phân hủy và hòa tan trước, không có lợi cho việc hấp thu thuốc ở ruột non và ảnh hưởng đến công dụng.
Một số loại thuốc làm tăng tác dụng phụ trong môi trường axit, gây ra các yếu tố bất lợi cho cơ thể con người.
Ví dụ, các thuốc hạ sốt, giảm đau như indomethacin, analgin, aspirin thường dùng cho trẻ bị sốt có tác dụng kích thích niêm mạc dạ dày. Nếu ở trong môi trường axit như nước cam ép sẽ dễ gây hại cho cơ thể người. Trường hợp nhẹ, việc uống như thế này sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, kích thích thành dạ dày và gây ra các triệu chứng khó chịu, trường hợp nặng có thể xuất huyết dạ dày.
Vì vậy, không nên dùng nước hoa quả và đồ uống có vị chua để uống thuốc cho trẻ. Muốn uống nước hoa quả phải cách thời điểm uống thuốc trên 1,5 giờ.
8. Không nên uống khi bụng đói
Một số người thường ít ăn rau và trái cây vào bữa sáng. Họ có thói quen uống một cốc nước ép trái cây vào buổi sáng để bổ sung nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Cần lưu ý là không uống nước trái cây có nồng độ axit cao như nước cam ép khi bụng đói, nên ăn một số thực phẩm trước khi uống để tránh gây khó chịu cho dạ dày.
Dù là nước trái cây ép hay đồ uống nước trái cây, hãy cố gắng uống càng ít càng tốt trong bữa trưa và bữa tối. Độ chua của nước trái cây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nồng độ axit trong đường tiêu hóa.
Lượng nước trái cây nhiều sẽ làm loãng nồng độ dịch vị tiêu hóa, đồng thời axit trong nước trái cây cũng sẽ kết hợp với một số chất dinh dưỡng trong thực phẩm khác ảnh hưởng đến việc cơ thể hấp thu. Điều này có thể khiến cho người bệnh cảm thấy bị đầy bụng, khó tiêu sau bữa ăn hoặc khó chịu ở dạ dày.
Không có nhận xét nào: