Tin mới nhất

Lẩu lòng bò thơm dứa mềm ngon không hôi ấm lòng ngày mưa

Độ giòn sựt của lòng bò và vị thơm cay của nước lẩu, ắt hẳn sẽ khiến bạn bị nghiền món lẩu lòng bò mỗi khi có dịp nghe đến. Vậy hãy để chuyên mục Vào bếp bật mí cho bạn cách nấu lẩu lòng bò thơm (dứa) mềm, ngon và không bị hôi cho những ngày trời mưa lạnh ra sao nhé!





1Nguyên liệu và dụng cụ

Lẩu lòng bò

Thời gian thực hiện và khẩu phần ăn
  • Thời gian thực hiện: 45 phút
  • Khẩu phần ăn: 3 - 4 người

Nguyên liệu:

  • Lòng bò: 1kg
  • Thơm (khóm): 1 trái
  • Nước dừa: 1 trái
  • Nấm rơm: 300g
  • Cà chua: 3 quả
  • Các loại rau ăn kèm (tùy sở thích): xà lách xoong, bắp cải, nấm các loại, cải bẹ xanh, đậu hũ,...
  • Bún ăn kèm: 1kg
  • Bánh tráng mè đen (nếu thích)
  • Gia vị: ngũ vị hương, sa-tế, tiêu xay, tỏi, hành tím, gừng, bột ngọt, bột nêm, đường, nước mắm,….

Dụng cụ: Nồi, bếp gas, dao, thớt, muỗng, chén bát,….

Mẹo chọn mua lòng bò ngon:

  • Có màu vàng, hồng tự nhiên, tránh chọn mua lòng bò trắng tinh vì được lạm dụng thuốc tẩy để làm sạch.
  • Ống ruột căng tròn, trông tươi.
  • Phần dịch bên trong màu trắng sữa.

Mẹo chọn mua măng tươi ngon (nếu bạn muốn dùng thêm nguyên liệu này):

  • Nên chọn củ có hình thô, to nhỏ đều nhau, không cong.
  • Không có lá vàng, bị nát hoặc bị héo
  • Vỏ mỏng, độ giòn nhất định.
  • Trước khi nấu, măng tươi cần làm sạch, ngâm nước muối và luộc kĩ để loại bỏ vị đắng và chất độc.

Nguyên liệu và dụng cụ nấu lẩu lòng bò thơm dứa

2Cách thực hiện món lẩu lòng bò nấu thơm

Bước 1: Sơ chế lòng bò

Đầu tiên, bạn rửa sơ lòng bò, rồi tiến hành khử mùi và đem đi luộc.

Sau đó, bạn cắt lòng bò vừa ăn rồi ướp với gia vị: 1 muỗng cà phê muối + 1/2 muỗng cà phê bột ngọt + 1 muỗng cà phê bột nêm + 1 muỗng cà phê đường + 1/2 muỗng canh nước mắm + 1 muỗng cà phê ớt sa tế + 1 muỗng cà phê ngũ vị hương, rồi trộn đều, để ngấm gia vị trong từ 20 - 30 phút.

Mẹo sơ chế lòng bò không hôi:

Trước tiên, bạn cần lộn trái lòng bò:

  • Cách 1: Bạn chà sạch lòng bò với chanh và muối (hoặc dùng bột mì), rồi rửa lại với nước sạch. Sau đó, đem trụng lòng bò trong nước sôi (khoảng 80 độ C) cùng với 1 muỗng canh nước mắm (có độ đạm cao) + 1 muỗng canh giấm ăn, để khử hoàn toàn chất nhờn và mùi hôi của lòng bò, rồi vớt ra.
  • Cách 2: Bạn chỉ cần chà sạch với muối, rửa lại với nước sạch, rồi trụng trong nước sôi có sả đập dập (hoặc gừng thái lát). Cuối cùng vớt ra, đem ngâm lòng bò trong chậu nước sôi để nguội với ít chanh tươi cắt lát.
  • Cách 3: Bạn chà sạch với muối và bột mì, rồi dùng lát chanh chà xát lòng bỏ để loại bỏ chất bám bẩn trước khi rửa lại bằng nước sạch. Sau đó, trụng vào nồi nước sôi có gừng giã nhuyễn + 1 muỗng cà phê muối + 1 muỗng canh rượu trắng + 1 muỗng cà phê giấm. Cuối cùng đem ngâm vào nước lạnh trước khi lấy ra thái lát vừa ăn.

Hãy nhớ, tránh lạm dụng vôi và phèn chua để rửa, khử mùi hôi lòng bò, vì dùng không đúng liều lượng và đúng cách sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sơ chế lòng bò nấu lẩu

Bước 2: Sơ chế nguyên liệu khác


Nấm rơm gọt bỏ phần đất cho sạch sẽ rồi đem ngâm trong nước muối trước khi rửa sạch.

Bóc vỏ và băm nhuyễn 2 củ hành tím và 6 tép tỏi. Đồng thời băm nhuyễn 2 trái ớt. Gọt vỏ gừng và cắt lát mỏng.


Thơm gọt vỏ, cắt thành làm 4, bỏ đi phần lõi bên trong và cắt từng khúc dày 1 - 2cm. Cà chua rửa sạch, mỗi trái cắt thành làm 4.


Các loại rau ăn kèm nhặt bỏ lá sâu, đem rửa sạch.

Sơ chế nguyên liệu khác nấu lẩu lòng bò

Bước 3: Nấu lẩu


Đặt chảo lên bếp, cho dầu (hoặc mỡ heo) vào để phi thơm một ít hành tím và tỏi băm. Sau đó, cho lòng bò vào xào đều đến khi lòng bò săn lại, rồi bắt ra khỏi bếp.  

Tiếp theo, bạn lấy một chiếc nồi và đặt lên bếp, cho ít dầu ăn, gừng, tỏi và hành tím vào phi thơm. Khoảng 1 phút sau thì cho ớt băm vào, rồi đổ nước dừa vào nồi để nấu sôi. Sau đó, cho nấm rơm và thơm cắt lát nấu thêm khoảng 3 - 4 phút trước khi cho lòng bò vào với ngọn lửa vừa.


Bạn nấu lòng bò cho đến khi có vị dai vừa ăn, rồi mới cho cà chua và tiêu vào nấu thêm một chút. Tắt bếp và bắt đầu thưởng thức!

Lưu ý:
  • Bạn có thể cho thêm 1 ly (khoảng 330ml) nước lạnh thay vì chỉ cho nước dừa. Nếu dùng hoàn toàn nước dừa, thì lẩu sẽ ngon và đậm vị hơn. Tuy nhiên, nước dừa quá ngọt thì sẽ cũng ảnh hưởng đến khẩu vị của người ăn, vì ăn ngọt dễ bị ngán!

Nấu lẩu lòng bò thơm

3Thành phẩm

Vậy là bạn đã nấu xong lẩu lòng bò dứa thơm ngon, với mùi hương hấp dẫn từ lòng bò và ngũ vị hương, cùng với vị ớt sa tế siêu cay ăn cùng các loại rau ăn kèm và chén bún tươi vào những ngày mưa thì còn gì bằng.


Nào, hãy thưởng thức ngay món lẩu bò nấu dứa cùng với những người thân yêu của mình, nhất là trong những ngày trời thời tiết se lạnh, bạn nhé! 

thành phẩm lẩu lòng bò nấu thơm

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.